Cải cách chưa từng có của ngành điện, chuyên gia kinh tế nói gì?

Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2017, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá tăng 32 bậc so với năm trước, lên vị trí 64/190 quốc gia, nền kinh tế.

Cùng với việc chính thức cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến, đây là điều chưa từng có trong lịch sử ngành điện nói chung và một “ông lớn” Nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Sự bứt phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực điện năng đã nhận được nhiều đánh giá của giới chuyên gia kinh tế trong nước.

EVN đã thực hiện tốt các cải cách về thủ tục

(Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)

Trong 3 năm vừa qua, tiếp cận điện năng là chỉ số có sự cải thiện tốt nhất trong 10 chỉ số đánh giá của Việt Nam.

Phải nhấn mạnh rằng, tiếp cận điện năng là chỉ số duy nhất năm nào cũng tăng bậc trên trường quốc tế. Xét trong bối cảnh tất cả các quốc gia đều đẩy mạnh cải cách thì kết quả này của ngành điện Việt Nam là đáng ghi nhận.

Trong khảo sát Doing Bussiness, từ năm 2015, WB có đánh giá thêm “độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch về giá điện”. Theo tôi, đây là một thuận lợi, vì có thêm yếu tố khảo sát này thì dư địa tăng bậc của Việt Nam được rộng thêm.

Những năm qua, EVN đã thực hiện tốt cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện cấp điện. Họ đã triển khai đồng bộ tới các cấp công ty điện lực/điện lực những dịch vụ như: hồ sơ điện tử, tiếp nhận một cửa, phần mềm cho phép khách hàng giám sát tiến độ online, cung cấp rộng rãi thông tin trên các website…

Khảo sát của chúng tôi tại các địa phương như Quảng Ninh, Tp.HCM cho thấy, chính quyền và nhiều người dân ghi nhận những nỗ lực của ngành điện.

Tôi cho rằng, để tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, các đơn vị điện lực của EVN có thể xem xét tham gia vào trị trường xây lắp trạm biến áp, cạnh tranh cùng các đơn vị bên ngoài về mức giá, thời gian thi công, chất lượng… để giảm chi phí và tiếp tục rút ngắn thời gian cho khách hàng.

EVN cũng cần tiếp tục phối hợp với UBND, sở ban ngành các địa phương để thực hiện tốt Nghị quyết 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Thái độ phục vụ và chất lượng điện cải thiện rõ rệt

(Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế)

Việc cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng có rất nhiều ý nghĩa, bởi “điện đi trước một bước”; tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội.

Có dịch vụ điện tốt, chất lượng điện ổn định thì các địa phương mới thu hút được vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chỉ số tiếp cận điện năng tăng 32 bậc so với năm 2016 là một bước phát triển ngoạn mục. Kết quả này có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và cũng là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của ngành điện.

EVN đã có ý thức, trách nhiệm và kế hoạch cụ thể để cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.

Đặc biệt, ngành điện đã đổi mới tư duy, nâng cao ý thức phục vụ, quan tâm thực sự tới nhu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, chất lượng điện trong thời gian qua đã được cải thiện rõ rệt. Sự “biến mất” của ổn áp trên thị trường đã cho thấy năng lực điều hành và khả năng cung cấp điện tốt của EVN.

Trong thời gian tới, để tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, EVN cần tiếp tục thực hiện những công việc đang làm, lắng nghe và đảm bảo giải quyết nhanh chóng các thắc mắc của khách hàng, đẩy mạnh tự động hóa trong quản lý, vận hành.

Cần cải thiện chi phí tiếp cận điện năng

(Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI)

Yếu tố có cải thiện tốt nhất trong thang đo tiếp cận điện năng là “mức độ tin cậy trong cung cấp điện và minh bạch về giá điện”.

Trên thang 8 điểm thì Việt Nam đã đạt được 6 điểm, cao hơn bình quân châu Á – Thái Bình Dương là 3,7 điểm và tiệm cận dần tiêu chuẩn các nước châu Âu là 7,4 điểm.

Xét trong 4 năm (từ 2013-2017), yếu tố thời gian tiếp cận điện năng đã giảm từ 115 ngày xuống còn 46 ngày, trong đó số ngày thuộc thủ tục của ngành điện giảm từ 60 ngày xuống 11 ngày.

Không chỉ có khảo sát của WB ghi nhận những nỗ lực của ngành điện, mà các điều tra từ trước đến nay của VCCI cũng cho kết quả tương tự.

Năm 2017, VCCI đã công bố kết quả điều tra khảo sát hơn 10.000 doanh nghiệp dân doanh và gần 1.600 doanh nghiệp FDI, trong đó, những dịch vụ cung cấp điện của EVN được đánh giá khá tích cực.

Theo điều tra lấy mẫu của chúng tôi tại 63 tỉnh, thành phố thì tỷ lệ hài lòng về dịch vụ cung cấp điện là 69%.

Trong các dịch vụ về hạ tầng thì đây là tỷ lệ được đánh giá cao thứ hai – chỉ thấp hơn so với dịch vụ điện thoại (77%), cao hơn nhiều so với dịch vụ cung cấp nước sạch (63%), dịch vụ Internet (57%), chất lượng đường bộ, cầu (42%)…

Các doanh nghiệp có ghi nhận khá tích cực về ngành điện, cụ thể: việc tra cứu thông tin về biểu giá điện, hóa đơn sử dụng điện trên các website của EVN khá dễ dàng; việc nhận thông tin sử dụng điện và hóa đơn khá linh hoạt bằng nhiều hình thức khác nhau như:

Qua e-mail, tra cứu trên website của ngành điện, gửi thư trực tiếp qua đường bưu điện; thái độ tác phong làm việc của nhiều cán bộ ngành điện cũng được đánh giá cao…

Mặc dù có những cải thiện rất mạnh mẽ, nhưng cần lưu ý rằng, trong 11 nước của khu vực ASEAN thì Việt Nam vẫn đứng thứ 7 về chỉ số tiếp cận điện năng. Chi phí tiếp cận điện năng tính bằng % GDP bình quân đầu người vẫn cao so với các nước và mức độ giảm qua các năm cũng rất hạn chế.

Do đó, mức chi phí tiếp cận điện năng là yếu tố cần được cải thiện trong thời gian tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0919575909